Blog du lịch, Cẩm nang du lịch, Điểm đến
Bình Liêu – Điểm đến cho người thích khám phá, ưa trải nghiệm
Là một huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu cách Hà Nội khoảng 270km và có khí hậu quanh năm ôn hòa, cấu trúc địa hình đa dạng cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, được ví như “Sa Pa thu nhỏ.”
Là một huyện miền núi nằm phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu cách Hà Nội khoảng 270km.
Phía Bắc giáp với huyện Ninh Minh, thành phố Sùng Tả và khu Phòng Thành, thành phố Phòng Thành (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc); phía Tây giáp với huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn); phía Đông giáp huyện Hải Hà, phía Nam giáp huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh).
Được ví như “Sa Pa thu nhỏ của Quảng Ninh,” có cấu trúc địa hình đa dạng cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Bình Liêu ngày càng trở nên thu hút nhiều khách du lịch, nhất là các bạn trẻ có đam mê xê dịch, thích khám phá và ưa trải nghiệm.
Du lịch Bình Liêu vào thời gian nào đẹp nhất?
Khí hậu của huyện Bình Liêu mang đặc trưng khí hậu miền núi. Vào mùa Hè thời tiết Bình Liêu mát mẻ, dễ chịu như Sa Pa. Đến mùa Đông đôi khi nhiệt độ xuống thấp, lạnh không kém các vùng núi nổi tiếng như Mẫu Sơn, Lào Cai,…
Tuy nhiên, bốn mùa mỗi mùa mang một nét đẹp riêng.
Vào mùa Xuân, sắc trắng tinh khôi, thanh khiết của hoa trẩu, hoa sở, hoa ban,… trải khắp núi rừng Bình Liêu sẽ đem đến sự lãng mạn và yên bình. Cuối tháng 3 là mùa hoa nở nên thích hợp với người thích chụp ảnh.
Nếu bạn thích khám phá các thác nước, bạn nên đến Bình Liêu vào mùa Hè, khi thời tiết rất thích hợp để bơi lội hoặc chơi đùa dưới nước.
Mùa Thu (tháng 10, 11) là thời điểm Bình Liêu đẹp nhất và là mùa hút khách du lịch nhất trong năm.
Bình Liêu mùa cuối Thu đầu Đông không chỉ hấp dẫn bởi cung đường phượt hùng vĩ mà còn toát lên vẻ đẹp lãng mạn với những vạt hoa lau bung trắng khắp những ngọn đồi, sườn núi, trải dài khắp cung đường tuần tra biên giới.
Bình Liêu còn tuyệt đẹp vào mùa vàng của lúa chín. Ở Bình Liêu có 2 mùa lúa chín là cuối tháng 7 và cuối tháng 10.
Không hùng vĩ ngút tầm mắt như những thửa ruộng bậc thang ở Tây Bắc, ruộng lúa Bình Liêu vàng rực trải dài dưới những thung lũng, ôm lấy sườn đồi quanh co hoặc xen đá, xen lau.
Thiên đường cột mốc
Với những người mê xê dịch, điểm ấn tượng đầu tiên về Bình Liêu có lẽ là những cột mốc biên giới.
Nơi đây có khoảng 64 cột mốc giáp Trung Quốc, trong đó có 4 cột mốc linh thiêng mà bạn không thể bỏ qua đó chính là 1300, 1302, 1305 và 1307.
Những cột mốc này nằm rải rác trên con đường tuần tra biên giới, vì vậy những bạn trẻ thường check-in tại đây để đánh dấu cho chuyến đi của mình. Tuy nhiên địa hình tại những nơi này khá hiểm trở.
Mốc 1305 và Sống lưng Khủng long
Là cụm từ để chỉ sống núi đường lên Mốc 1305, Sống lưng Khủng long là đoạn đẹp nhất của con đường lên mốc, tuy nhiên do đường đi lại khá nguy hiểm và vất vả nên nếu không đủ sức khỏe ra tới mốc, các bạn có thể dừng tại đây để chụp ảnh.
Vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, đi trên Sống lưng Khủng long ngập cỏ tranh, bạn cũng được phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt diệu và cảm nhận mình thật nhỏ bé giữa đất trời bao la.
Đi băng qua nơi này trong ít nhất 2 tiếng nếu thời tiết tốt, bạn sẽ đến Cột Mốc 1305.
Cột Mốc 1305 nằm trên đường tuần tra biên giới Bình Liêu, là một trong hai mốc giới nằm ở vị trí cao nhất trên thực địa Quảng Ninh, cũng là nơi không dễ để có thể chạm tay vào.
Săn mây trên đỉnh Cao Ly
Đỉnh Cao Ly nằm ở xã Húc Động với độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Vào mùa Thu, đặc biệt là thời điểm cuối Thu-đầu Đông, hay sau những trận mưa phùn cuối Xuân, nơi đây xuất hiện rất nhiều mây. Cao Ly được ví như “Sa Pa của Quảng Ninh.”
Vào tháng 7-9, Cao Ly hấp dẫn du khách vì hoa mua nở nhuộm tím các vạt đồi. Đến cuối năm tháng 10 trở đi, nơi này lại là điểm săn biển mây lý tưởng. Điểm cắm trại cách đỉnh khoảng 30-40 phút leo bộ, xe máy và ôtô cá nhân có thể tới tận điểm trại.
Thác Khe Vằn
Thác Khe Vằn thuộc xã Húc Động, huyện Bình Liêu, cách thành phố Hạ Long 100km và cách trung tâm thị trấn Bình Liêu khoảng 12km về hướng Đông Nam.
Thác nước cao gần 100m được chia thành 3 tầng rõ rệt, mỗi tầng thác lại mang một vẻ đẹp khác nhau.
Tầng thác đầu tiên đón chào du khách bởi một không gian rộng lớn, chính giữa có một tảng đá nhô lên tựa như một con voi đang trong thế phủ phục, xung quanh là hàng trăm những khối đá to nhỏ.
Lên đến tầng thứ hai của thác nước, du khách sẽ thấy dòng nước đổ xuống được chia làm hai, một bên to, một bên nhỏ ấn tượng.
Cuối cùng, khi đã chinh phục được đến tầng cao nhất của thác nước, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự hùng vĩ của thiên nhiên.
Chinh phục đỉnh Cao Xiêm
Đỉnh Cao Xiêm còn gọi là đỉnh Khau Khoang hoặc Cột Cờ. Với độ cao 1.429m so với mực nước biển, Cao Xiêm còn được mệnh danh là “nóc nhà” của tỉnh Quảng Ninh.
Cung đường từ chân núi lên đỉnh Cao Xiêm dài khoảng hơn 7km nên có thể kết hợp vừa leo núi vừa cắm trại dã ngoại trong ngày. Đường đi chủ yếu là lối mòn men theo sườn núi với nhiều núi đá mấp mô và băng qua những đồi cỏ bao la.
Đình Lục Nà
Đình Lục Nà thuộc xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu. Đình Lục Nà đã được xây dựng vào thời kỳ Hậu Lê và đây là ngôi đình duy nhất hiện nay ở huyện Bình Liêu.
Đình Lục Nà thờ thần hoàng làng là ông Hoàng Cần, đây là một vị tướng quân, một vị Anh hùng Dân tộc đã có công lao rất lớn trong cuộc chiến đấu đánh bại giặc phương Bắc đến xâm lăng đất nước, bảo vệ non sông bờ cõi và quê hương.
Hằng năm Đình Lục Nà bắt đầu khai hội từ ngày 16 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Cửa khẩu Hoành Mô
Cửa khẩu Hoành Mô là điểm cuối Quốc lộ 18C, nối tiếp qua đường tràn tại bãi Đồng Mô trên sông Đồng Mô, thông thương sang cửa khẩu Động Trung ở thành phố cảng Phòng Thành tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Núi Kéo Lạn
Núi Kéo Lạn thuộc bản Phạc Chỉ, xã Đồng Văn, gần với Cột mốc 1327. Điểm đặc biệt của đỉnh núi này là bãi đá rộng lớn trải dài ngút tầm mắt giữa không gian bao la, khoáng đạt của đất trời.
Núi Kéo Lạn gồm nhiều bãi đá với nhiều hòn đá lớn với hình thù dị biệt nằm đan xen nhau, trải dài giữa không gian rộng lớn. Đá ở đây có nhiều mỏm cao hơn 3m, thích hợp với những ai ưa thích chụp ảnh “sống ảo.”
Có lẽ, chính bởi sự thay đổi hình dạng của các phiến đá mà tạo cho hành khách nhiều ấn tượng tạo cảm giác mới lạ, níu chân du khách không muốn rời.
Chợ phiên vùng cao
Cuối tuần ghé Bình Liêu, du khách có cơ hội dạo chơi chợ phiên ở trung tâm thị trấn hay chợ xã Đồng Văn. Chợ họp vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, bà con khắp thôn bản từ những xã huyện lân cận cũng mang hàng hóa, nông lâm sản về chợ trao đổi buôn bán.
Nhiều mặt hàng đặc trưng chỉ có ở chợ phiên như lá tắm, dược liệu chữa bệnh của đồng bào dân tộc, mật ong rừng, măng rừng… Người dân tới chợ mua bán, ăn uống từ sáng tới chiều muộn nhưng đông đúc nhất là từ 10h sáng trở đi.
Đặc sản ẩm thực Bình Liêu
Gà đen Bình Liêu: Gà đen Bình Liêu có nguồn gốc từ giống gà của người Mông. Loại gà này được gọi phổ biến nhất là gà Mông đen hoặc các tên khác như gà Mèo, gà Mông, gà xương đen, còn ở Bình Liêu thì chủ yếu gọi là gà đen.
Cá suối Bình Liêu: Cá suối là món ăn được thực khách đặc biệt ưa thích bởi chúng sống hoàn toàn tự nhiên ở các khe suối. Đặc biệt, khi chiên với dầu sở – một sản phẩm đặc trưng của Bình Liêu, cá sẽ ngậy, vàng ươm bắt mắt, dậy mùi thơm hơn.
Phở xào Bình Liêu: Ở Bình Liêu có thể thưởng thức món phở xào ở bất cứ nơi đâu nhưng có lẽ để thưởng thức phở xào đặc trưng nhất phải đến với xã Đồng Văn.
Ngoài ra, ở Bình Liêu còn có một số món ăn ngon khác như bánh ngải, bánh đúc, trám đen, miến dong, măng rừng, xôi bảy màu, bánh cooc-mò.