Blog du lịch, Cẩm nang du lịch, Điểm đến
Có một “thủy đạo” nối liền 3 đảo ở ngay Việt Nam, được gọi là “viên ngọc quý” của Đông Nam Á
Trái với khung cảnh sôi động của thành phố du lịch Nha Trang, đảo Điệp Sơn có khung cảnh còn hoang sơ. Vì vậy, nó phù hợp với những du khách yêu thích sự yên bình, không quá xô bồ.
Nhắc tới tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam, phần đông mọi người sẽ nghĩ ngay đến vựa nuôi tôm hùm lớn nhất cả nước, hay một thành phố biển Nha Trang sầm uất, nhộn nhịp với các hoạt động du lịch hay với những bãi biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Tuy nhiên ít ai biết rằng, Khánh Hòa còn ẩn giấu một “báu vật” độc đáo, có thể nói là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, mang tên thủy đạo Điệp Sơn.
Thủy đạo có nghĩa là con đường nằm ngay trên biển. Khi thủy triều xuống, du khách có thể tản bộ ở đây mà không cần sự hỗ trợ của các loại tàu thuyền nào. Thủy đạo Điệp Sơn chính là một con đường như thế.
Để trải nghiệm được thủy đạo, điều đầu tiên du khách cần thực hiện đó là đến đảo Điệp Sơn. Trái với khung cảnh sôi động của thành phố du lịch Nha Trang, đảo Điệp Sơn có khung cảnh còn hoang sơ. Vì vậy, nó phù hợp với những du khách yêu thích sự yên bình, không quá xô bồ.
Tìm đến đảo Điệp Sơn hoang sơ
Điệp Sơn là hòn đảo nằm trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 60km, thuộc xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh. Tuy là một hòn đảo hoang sơ nhưng quãng đường di chuyển đến đây được các du khách đánh giá là đẹp và dễ đi.
Theo hướng dẫn từ các du khách đã có kinh nghiệm trước đó, chuyến đi tới Điệp Sơn sẽ chia làm 2 chặng. Chặng đầu tiên là đi từ thành phố Nha Trang, tới cảng Vạn Giã. Quãng đường dài gần 60km, du khách sẽ mất hơn 1 giờ lái xe. Sau đó tại cảng, du khách sẽ tùy chọn di chuyển bằng ca nô hoặc thuyền gỗ để ra đảo, với thời gian tương ứng là 20 phút và 60 phút. Chuyến đi sớm nhất trong ngày tại cảng có thể bắt đầu từ 6 giờ sáng, và muộn nhất là 17 giờ chiều.
Theo chia sẻ của những người dân bản địa nơi đây, thời điểm đẹp nhất để ghé thăm đảo Điệp Sơn là từ tháng 4 tới tháng 9. Lúc này tiết trời nắng đẹp, ít mưa, vì vậy làn nước cũng trong xanh hơn, tạo điều kiện lý tưởng cho các hoạt động như tắm biển, chụp ảnh hay vui chơi. Từ tháng 9 trở đi trời dễ bão và mưa nhiều, vì thế du khách không nên tham quan đảo vào thời gian này.
Đảo Điệp Sơn được đánh giá là còn khá hoang sơ và vẫn giữ nguyên được những nét đẹp nguyên thủy vốn được thiên nhiên trao tặng. Trên đảo hầu như chưa có sự can thiệp của bàn tay con người, và cũng gần như không có bất cứ dịch vụ du lịch nào.
Theo báo cáo, hiện nay trên đảo có khoảng 80 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng việc đánh bắt cá. Nhiều du khách nhận xét rằng chính vẻ đời thường, chân chất của người dân địa phương nơi đây làm cho họ cảm thấy thoải mái hơn khi đến với đảo.
Khung cảnh hoang sơ, đời sống người dân bản địa gần gũi cũng chính là những điều làm nên nét khác biệt, độc đảo của Điệp Sơn trong mắt du khách.
Thủy đạo Điệp Sơn – con đường nối liền 3 đảo, được gọi là “viên ngọc quý”
Ở đảo Điệp Sơn có một con đường trên biển đặc biệt, mang tên thủy đạo Điệp Sơn. Nó nối liền 3 đảo gần đó là Hòn Bịp, Hòn Ó và Hòn Quạ. Thực chất đây là một doi cát tự nhiên, dài khoảng 800m, rộng từ 1-2m. Để có thể trải nghiệm được con đường biển này, du khách cần hết sức lưu ý về thời gian. Thủy đạo Điệp Sơn chỉ hiện ra khi thủy triều xuống và sẽ biến mất vào lòng đại dương khi thủy triều dâng cao.
Bắt đầu từ 6 giờ sáng, lúc này thủy triều xuống, doi cát sẽ từ từ xuất hiện giữa làn nước trong xanh của biển cả. Du khách có thể bắt đầu ngày mới bằng việc đi bộ trên biển qua doi cát này. Làn nước như dạt sang hai bên nhường lối đi cho người thăm quan.
Cavicu, một travel blogger người nước ngoài, sau khi trải nghiệm đi bộ trên thủy đạo Điệp Sơn đã chia sẻ rằng:
“Đi bộ trên con đường này đem lại cảm giác vô cùng thích thú, xen lẫn hồi hộp và một chút sợ hãi khi bạn phải bước giữa đại dương bao la. Bạn có thể thỏa thích ngắm nhìn những đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội hai bên, chốc chốc lại thấy những đàn cá nhảy tung lên khỏi mặt nước, hay giơ tay vẫy chào con thuyền đang chạy lướt qua”.
Ngoài ra, không chỉ đi bộ trên thủy đạo, vào khung giờ khoảng 15 giờ đến 18 giờ hàng ngày, du khách còn có thể khám phá những bãi đá san hô và hệ sinh thái bãi cạn hết sức phong phú khi thủy triều rút.
Nhiều du khách khác cũng phải nhận xét, hiếm có nơi nào có được một con đường độc đáo như thủy đạo ở Điệp Sơn. Nó có thể xem là “viên ngọc quý” của Đông Nam Á, và còn được so sánh với con đường nối liền 2 đảo Jindo và Modo nổi tiếng của Hàn Quốc.
Các hoạt động khác tại Điệp Sơn
Theo thông báo từ Cổng Thông tin Tỉnh ủy Khánh Hòa, UBND tỉnh này không khuyến khích phát triển du lịch tại đảo Điệp Sơn. Do đó nơi đây không có bất cứ nhà nghỉ hay khách sạn nào, hay rất ít các dịch vụ du lịch chuyên biệt. Tuy nhiên với những du khách yêu thích sự hoang sơ, nguyên thủy và mong muốn được trải nghiệm những hoạt động đậm tính bản địa, đảo Điệp Sơn chính là một điểm đến lý tưởng. Dưới đây là một số gợi ý mà du khách có thể tham khảo cho chuyến đi của mình.
Cắm trại ven biển hoặc trải nghiệm xin nghỉ tại nhà dân
Với những du khách muốn có nơi để lưu trú, nghỉ ngơi hay ở lại qua đêm, hình thức phổ biến nhất chính là cắm trại tự túc hoặc xin nhờ các hộ dân bản địa. Theo kinh nghiệm của các phượt thủ, nếu xin nghỉ nhờ nhà người dân địa phương, du khách hãy trò chuyện một cách gần gũi và chân thành nhất với họ, và khi rời đi du khách có thể trả cho chủ nhà một chút phí hoặc tặng họ đồ lưu niệm.
Còn với những du khách lựa chọn hình thức cắm trại, các địa điểm phù hợp có thể kể tới như ven biển hay trong sân trường học. Du khách nên chuẩn bị kỹ càng và đầy đủ các vận dụng cá nhân bởi điều kiện trên đảo vẫn còn nhiều thiếu thốn nên đôi khi trong trường hợp cấp bách sẽ không có sẵn để du khách mua. Cắm trại trên biển để đón buổi sớm mai bình minh cũng được đánh giá là trải nghiệm đáng thử.
Thưởng thức những món ăn ngon
Đến đảo Điệp Sơn du khách chắc chắn không nên bỏ qua những món ăn ngon, những món hải sản tươi, được đánh bắt và chế biến trực tiếp với bàn tay của những người dân bản địa.
Thông thường, mọi người cũng lựa chọn dùng bữa ngay tại nhà người dân địa phương mà họ trú chân nhờ. Các hình thức chế biến cũng rất đa dạng, đảm bảo sẽ làm du khách hài lòng.
Với những du khách lựa chọn cắm trại và nấu ăn tự túc, hãy đảm bảo giữ gìn vệ sinh cảnh quan chung và dọn dẹp hết rác trước khi rời đi.